Sáu bước chủ đạo khi thực hiện một bài khóa luận hay đề tài nghiên cứu

14/10/2022

Bước 1: Xác định nhiệm vụ được giao

1. 1. Xác định yêu cầu thông tin:

Khả năng nhận biết và giới hạn yêu cầu thông tin cho một đề tài cụ thể là việc làm cần thiết, trong bước này người sinh viên phải có khả năng:
  • Xác định phạm vi của đề tài.
  • Đặt câu hỏi cần giải đáp cho những yêu cầu của đề tài.
  • Biết thông tin nào cần cho đề tài căn cứ theo hướng dẫn của giảng viên.
  • Chọn lọc, thu hẹp hoặc mở rộng đề tài theo yêu cầu.
  • Sau đó thống nhất lại một lần nữa với giảng viên các yêu cầu trước khi thực hiện

    1.2 Xác định những thông tin cần dùng

  • Xác định thông tin cần thiết để giải quyết vấn đề và ra quyết định.
  • Chọn loại thông tin và số lượng thông tin cần cho vấn đề (thông tin sự kiện, ý kiến, thống kê, bài phỏng vấn, trích dẫn, hình ảnh…)
  • Lấy từ khóa từ trong đề tài để làm cơ sở tìm tin.
  • Đưa ra các nội dung chi tiết cần được chứng minh, minh họa hoặc hỗ trợ bằng thông tin.

    Bước 2: Chiến lược tìm tin

    2.1 Xác định các nguồn tiềm năng

Sinh viên phải liệt kê tất cả các chiến lược và nguồn tin có khả năng đáp ứng yêu cầu đề ra. Trên cơ sở các phương pháp nghiên cứu hiện nay,
  • Lập ra một danh sách nguồn tin tiềm năng (văn bản, hình ảnh, con người) và xác định nơi có thể tìm các nguồn tin đó.
  • Nêu lý do và những khó khăn, thuận lợi khi chọn các nguồn tin đó.

2.2 Chọn nguồn tin tốt nhất

  • Chọn lọc các nguồn thích hợp dựa trên các tiêu chí như tính cập nhật, uy tín của tác giả, mức độ đáp ứng yêu cầu, v.v.... Xem thêm Các tiêu chí đánh gía thông tin trên internet
  • Dùng nhiều loại nguồn tin khác nhau để phục vụ yêu cầu.
  • Kết hợp từng phương tiện hay chiến lược riêng để giải quyết vấn đề.

Bước 3: Định vị và tiếp cận nguồn tin
3.1 Định vị nguồn tin
Trước tiên sinh viên phải tự tìm nguồn tài liệu, tức là sách, trang web hay nhân vật cần nghiên cứu. Để tìm tài liệu người sinh viên phải có khả năng:
  • Sử dụng Tra cứu Tài liệu Thư viện và Hệ thống Phân loại Dewey.
  • Xây dựng một Chiến lược tìm tin hiệu quả, trong đó có khả năng sử dụng Công cụ tìm kiếm.
  • Xác định nơi có thể tìm các thông tin địa phương (như lịch sử vùng đất, tình hình kinh tế, chính trị khu vực)
  • Chuẩn bị một buổi phỏng vấn với chuyên gia hoặc nhà lãnh đạo.
  • Kiểm tra lại các chiến lược tìm tin kém hiệu quả để tìm phương án thay thế.
  • Lập Danh mục Tài liệu Tham khảo cho một đề tài.
  • Tìm người hoặc bộ phận giúp đỡ, hướng dẫn quá trình tìm thông tin cho mình (cán bộ thư viện, giáo viên hướng dẫn, chuyên gia...)

Bước 4: Sử dụng thông tin

4.1 Tham gia (đọc, nghe, xem)

Phải biết gạn lọc, đánh giá, đọc, nghe, xem và tương tác với thông tin trên màn hình, trang sách hoặc các phương tiện truyền thông khác. Người sinh viên phải có khả năng:
  • Đọc, nghe, xem thông tin để hiểu nó.
  • Xác định thông tin nào có ích cho quá trình nghiên cứu.
  • Tiến hành cuộc phỏng vấn hiệu quả.
  • Vận dụng các dữ liệu trong cơ sở dữ liệu, bảng tính hoặc website.
  • Đánh giá thông tin, bao gồm chất lượng và độ thích hợp của nguồn tin dựa trên các tiêu chí đánh giá.
  • Xem các show trên truyền hình và đúc kết thành thông tin thích hợp.
  • Đọc và hiểu biểu đồ hoặc các biểu diễn thông tin bằng hình ảnh.
  • Xác định mục tiêu, phạm vi, và quan điểm của thông tin (chính kiến, thể loại; ví dụ: tường thuật báo chí khác với phân tích lịch sử…)
4.2 Trích dẫn thông tin thích hợp
Người sinh viên phải có khả năng:
  • Liệt kê các điểm chính trong một bài báo, chương sách hoặc trang web liên quan đến đề tài.
  • Gạch chân hoặc đánh dấu các thông tin phù hợp.
  • Tóm tắt ý chính.
  • Xác định khi nào cần trích dẫn nguyên văn hoặc chỉ diễn giải nội dung thông tin.
  • Cắt và dán trên Word và các phần mềm văn bản.
  • Tải hình ảnh hoặc đoạn băng âm thanh, video.
  • Lập danh mục tham khảo theo tiêu chuẩn APA (American Psychological Association) hoặc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đạo tạo Việt Nam (Sinh viên có thể sử dụng phần mềm trích dẫn Zotero vô cùng đơn giản và hoàn toàn miễn phí)

Bước 5: Tổng hợp

 5.1 Tổ chức lại thông tin từ nhiều nguồn

Sau khi tìm, đánh giá, và tập hợp những thông tin phù hợp, sinh viên phải biết tổng hợp sao cho những thông tin đó thể hiện được kiến thức của mình.
  • Kiểm tra xem các thông tin có đồng bộ và liên kết chặt chẽ với nhau hay không.
  • Hệ thống hóa thông tin theo yêu cầu của đề tài.
  • Thêm ý kiến và quan điểm cá nhân trong quá trình nghiên cứu.
  • Tạo các biểu mẫu, biểu đồ thời gian, trình bày bằng văn bản hoặc PowerPoint.
  • Hiểu và ứng dụng các phương pháp tổ chức thông tin: theo thứ tự thời gian, theo phân loại, liệt kê quy trình, theo thứ tự bảng chữ cái, theo các bước thực hiện hoặc hướng dẫn, v.v...
  • Quyết định chọn một phương pháp tổ chức thông tin phù hợp với đề tài đang làm.
5.2 Trình bày thông tin:
Bước cuối cùng phải thực hiện: nộp bài, báo cáo đề tài.
  • Trình bày bài nói kết hợp sử dụng PowerPoint, video hoặc các tài liệu nghe nhìn khác.
  • Tạo hình ảnh bằng máy ảnh và các công cụ thiết kế đồ họa.
  • Tạo và chú giải bản đồ.
  • Trình bày dữ liệu bằng đồ thị, bảng tính, biểu đồ tròn, biểu đồ cây…
  • Tạo phần hướng dẫn có tương tác trên nền web cho đề tài.
     

Bước 6: Đánh giá

6.1 Nhận xét kết quả (hiệu quả)

  • Cùng với giảng viên xác định các tiêu chí cho đề tài của mình.
  • Thể hiện khả năng đánh giá một bài trình bày PowerPoint cả về nội dung và hình thức thể hiện.
  • Dùng kỹ năng đánh giá kiểm tra lại kết quả bằng 6 bước cơ bản, tự hoàn chỉnh lại bài làm của mình trước khi được giáo viên đánh giá (ví dụ: hiệu chỉnh bản thảo)
  • Dùng kỹ năng đánh giá để góp ý cho các đề tài khác trong lớp.
  • Kiểm tra lại kết quả tìm kiếm và tập hợp thông tin ở bước 4 để xem có thiếu xót nào trong nghiên cứu hay không.

6.2 Đánh giá quy trình

Việc đánh giá phải được thực hiện thường xuyên trong suốt quy trình thực hiện nghiên cứu, bằng cách:
  • Lập bảng liệt kê các bước thực hiện đề tài (như cách làm một món ăn)
  • Xác định vì sao chọn sử dụng một chiến thuật hay công cụ nghiên cứu cho đề tài đang thực hiện.
  • Tự đánh giá ưu nhược điểm của bản thân trong quá trình nghiên cứu và viết đề tài.